Phát biểu tại Diễn đàn 2024 diễn ra sáng nay (5/1), ông Hoàng Hải – Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) – cho biết, trong năm 2022 và đặc biệt là từ nửa cuối năm 2022 đến nay, thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn.
Sức mua và thanh khoản giảm mạnh. Nguồn cung thiếu đi liền với cơ cấu sản phẩm nhà ở không hợp lý. Sản phẩm cao cấp dư thừa trong khi nhà ở có giá phù hợp với khả năng chi trả của các đối tượng thu nhập thấp tại đô thị thiếu.
gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng, phát hành trái phiếu và huy động vốn của khách hàng. Số lượng dự án nhà ở thương mại được hoàn thành và chấp thuận mới đều giảm.
Cũng theo ông Hải, từ đầu năm 2023 đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt nhằm hỗ trợ thị trường bất động sản. Đồng thời, đảm bảo tính đồng bộ, liên thông của hệ thống pháp luật liên quan đến đất đai, xây dựng, nhà ở, bất động sản, chứng khoán, tín dụng và giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính.
Đáng chú ý, với sự tập trung vào cuộc của các cấp chính quyền, địa phương, đến nay trong giai đoạn 2021-2030, trên địa bàn cả nước đã có 470 dự án nhà ở xã hội dành cho đối tượng thu nhập thấp và công nhân khu công nghiệp được hoàn thành và đang triển khai.
Ông Hải cũng cho biết, thị trường bất động sản đã đi qua giai đoạn khó khăn nhất và có thể nhận định quý I/2023 là “vùng đáy”. Về tổng thể, thị trường bất động sản hiện nay vẫn còn rất khó khăn, nhưng mức độ khó khăn có xu thế giảm dần theo thời gian, tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau tốt hơn quý trước, thể hiện rất rõ nét tại thị trường bất động sản TPHCM.
“Để các chính sách, giải pháp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thu được hiệu quả như mong đợi cũng cần có thời gian, sự vào cuộc, phối hợp đồng bộ, của các cấp, các ngành, sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Coi đây là nhiệm vụ cấp bách, quan trọng cần tập trung giải quyết”, ông Hải nhấn mạnh.
Thị trường phục hồi rõ nét vào quý III năm nay
Đại diện Tổ nghiên cứu thị trường của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho hay, 2023 là năm bùng phát “căn bệnh” khó khăn của thị trường bất động sản Việt Nam, sau một khoảng thời gian “ủ bệnh” khá dài và có dấu hiệu “khởi phát” kể từ tháng 5/2022.
Tín hiệu đã cải thiện hơn vào giai đoạn nửa sau của năm, nhưng nhìn chung, năm 2023 là năm khó khăn của thị trường bất động sản nói chung, hoạt động môi giới nói riêng khi hàng nghìn môi giới bất động sản mất việc, bỏ nghề. Cho tới thời điểm hiện tại, chỉ còn khoảng 20% môi giới bất động sản đang hoạt động.
Về tình hình chung toàn thị trường, nguồn cung năm 2023 cho thấy sự thiếu hụt, nghèo nàn khi tổng nguồn cung cả năm 2023 chỉ đạt 55.329 sản phẩm. Dù nguồn cung này tăng 14% so với năm 2022, nhưng chỉ bằng 32% so với năm 2018, thời điểm trước khi xảy ra dịch Covid-19.
Điểm đáng chú ý là rất hiếm dự án mới được phê duyệt, trong khi hàng nghìn dự án dở dang bị “đắp chiếu” do vướng mắc pháp lý, một lượng không nhỏ dự án bị ngưng trệ vì thiếu vốn, chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên.
Đánh giá về thị trường 2024, VARS dự báo, trong nửa đầu năm, thị trường tiếp tục duy trì tín hiệu tốt từ thời điểm cuối năm 2023, nhưng phải từ cuối quý III/2024 trở đi, sự phục hồi mới được thể hiện rõ rệt.
Thị trường hồi phục trở lại, do đó, năm 2024, ngành bất động sản sẽ đón nhận sự quay trở lại của khoảng 30-40% môi giới. Cùng với đó, các chương trình mở bán quy mô lớn cùng chiến dịch truyền thông rầm rộ sẽ diễn ra một cách thường xuyên và liên tục hơn.
Ông Nguyễn Văn Đính – Chủ tịch VARS nhận định, năm 2024 sẽ có nhiều cơ hội và thách thức đan xen. Trong đó, ghi nhận những động thái tích cực cả về tổng cung và tổng cầu nhờ vào các thông tin quy hoạch. Sự tham gia của các chủ đầu tư trong “cuộc đua” phát triển nhà ở giá bình dân, nhà ở xã hội cũng sẽ từng bước thu hẹp khoảng cách lệch pha cung cầu.